Kiến thức nuôi cá dĩa

05.03.2020
by Cá cảnh Saigon
KIẾN THỨC NUÔI CÁ DĨA
 
I- Tìm hiểu về cá Dĩa:
1. Xuất xứ và đặc điểm sinh thái:
- Cá Dĩa được phát hịện vào năm 1840 bởi một nhà ngư học người Áo – Tiến sĩ Johann Jacob Heckel.
- Quê hương của cá Dĩa là các vùng nước trũng, tù đọng trên các nhánh sông Amazon chảy qua các nước Nam Mỹ như Brazil, Peru, Venezuela và Columbia.

2. Một số đặc điểm sinh học:
A- Sinh trưởng: Nuôi trong bể kiếng, cá tăng trưởng chậm: sau 6 - 8 tháng nuôi cá có thể đạt : 6 – 10 cm (kích cở thương phẩm)
B- Sinh sản: Cá trưởng thành sau: 12 – 20 tháng tuổi. Cá đẻ trứng dính bám vào giá thể. Trứng nở sau 50 – 60 giờ (tùy nhiệt độ).
II- Nuôi cá Dĩa dể hay khó? vì sao?
       “Cá Dĩa là loại cá cảnh khó nuôi nhất trong các loại cá cảnh nước ngọt nhiệt đới” bởi vì cá Dĩa có rất nhiều điểm khác biệt về nhu cầu sinh thái, đặc điểm sinh học so với họ hàng cá Rô phi của chúng nói riêng và các loài cá cảnh nước ngọt nhiệt đới nói chung. Do đó trong điều kiện nuôi, cần chú ý 2 đặc điểm sau:
A- Thứ nhất: Cá Dĩa là loài cá nhạy cảm nhất, đặc biệt nhạy cảm với:
+ Tiếng ồn, chấn động nhẹ, ánh sáng mạnh.
+ Các thay đổi của môi trường: nhiệt độ, độ pH, độ cứng của nước. Biên độ thích nghi với các yếu tố này của cá Đĩa rất thấp.
+ Các tác nhân làm phiền khác, cá Dĩa dể bị stress khi bị quấy rối bởi các loài cá năng động sống chung.
+ Các tác nhân gây bệnh (nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virut)
B- Thứ hai: Cá Dĩa đòi hỏi rất cao về chất lượng nước
Chính vì thế và cũng theo kinh nghiệm từ các nghệ nhân nuôi cá Dĩa: “cá Dĩa chỉ khó nuôi hơn các loại cá cảnh khác khi chúng ta không cung cấp cho chúng môi trường sống phù hợp”
III- Nhu cầu chất lượng nước trong nuôi cá Dĩa:
1. Nhiệt độ:
A - Ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sức khỏe cá:
- Nhiệt độ cơ thể cá thay đổi theo nhiệt độ môi trường (đây là đặc điểm khác với các động vật máu nóng trên cạn)
- Nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình sinh hóa trong cơ thể cá. Sự thay đổi nhiệt độ quá lớn và đột ngột sẽ làm rối loạn các quá trình sinh hoá trong cơ thể và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cá.
B - Nhiệt độ thích hợp cho cá Dĩa
- Cá trưởng thành, cá sinh sản: 26 – 28 °C
- Cá con (mới nở đến 5 – 6 cm): 28 – 30 °C
C- Quản lý nhiệt độ
+ Bể nuôi đặt trong phòng có nhiệt độ tương đối ổn định (tránh gió lùa, lợp tole hấp thu nhiệt)
+ Dùng sưởi để kiểm soát nhiệt độ trong hồ (đối với cá con hay vào mùa lạnh)

2. Độ pH
A- Ảnh hưởng của độ pH:
+ Độ pH ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cá khi có sự thay đổi đột ngột, cá có thể bị stress hay bị chết.
+ Tuy nhiên ảnh hưởng quan trọng hơn là ảnh hưởng gián tiếp của pH thông qua môi trường nước. Độ pH ảnh hưởng đến nồng độ hoà tan các muối dinh dưỡng, đến độ cứng của nước, thành phần các độc tố. Cụ thể như khi độ pH càng cao, hàm lượng ammonia dạng không phân ly (NH3) càng nhiều và rất có hại cho cá, ngược lại khi pH càng giảm thì độc tính của khí sulfurhydro (H2S) càng tăng.

B- Khoảng pH thích hợp cho cá Dĩa
+ Cá sinh sản: 6.0 – 6.2
+ Cá con: 6.5 – 6.8
+ Cá trưởng thành: 6 – 6.8
C- Quản lý độ pH
_ Tăng độ pH:
+ Tăng cường sục khí trong hồ hay bể chứa nước có ánh sáng, tăng cường quang hợp, giảm nồng độ CO2, tăng độ pH
+ Dùng nước vôi trong đã pha sẳn để trung hòa
_ Giảm độ pH:
+ Dùng axit photphoric (H3PO4) hay axit citric (giấm).
+ Lọc sinh học cũng giúp giảm độ pH nước.
4. Một số độc tố cần lưu ý:
_ Chlorine hay chloramine: Đây là một loại hoá chất dùng khử trùng nước, thường có trong nguồn nước thủy cục (nước do nhà máy nước cung cấp),
+ Rất độc đối với cá (tác động trực tiếp đến quá trình trao đổi ion trong điều hòa áp suất thẩm thấu của cá).
+ Để loại bỏ tác hại do chlorine trong nước chỉ cần sục khí liên tục ít nhất 24 giờ
 
_ Để đề phòng sự hình thành các chất độc hại này, cần tăng cường hàm lượng oxy hoà tan trong nước để thúc đẩy quá trình phân hủy hiếu khí của các vi sinh vật chuyển hoá các chất độc hại thành các chất vô hại hay ít có hại hơn. Ngoài ra quá trình sục khí cũng tăng cường giải phóng các khí độc ra khỏi môi trường nước.
IV - Kỹ thuật nuôi cá Dĩa:
1- Hình thức nuôi:
+ Nuôi trong bể kiếng hoặc ương trong bể xi măng
2- Công tác chuẩn bị:
A-Chọn vị trí nuôi:
+ Yên tỉnh
+ Ánh sáng vừa
+ Tránh gió lùa (nuôi trong nhà)
+ Có nhiệt độ thích hợp.
B- Trang thiết bị:
+ Ngâm bể kiếng ít nhất 2 – 3 ngày trước khi sử dụng lần đầu tiên
+ Vệ sinh bể, để khô vài ngày
+ Bố trí hệ thống sục khí, lọc (nếu có)
C- Chuẩn bị nước nuôi:
Nước máy:
+ Cấp nước vào bể chứa (có thể để trong nhà hoặc bên ngoài đều được)
+ Nếu nước máy không ổn định (có lúc bị đục), cần lọc
+ Sục khí nhẹ tốt nhất > 2 ngày để loại bỏ Clo trong nước và tăng cường hòa tan oxy.
+ Xử lý ozone (0.25 – 1 mg/10 lít nước/giờ) (nếu có)
+ Kiểm tra độ pH trước khi cấp vào bể nuôi (pH = 6 – 7), thường nước máy có độ pH = 7
Nước giếng:
Cần kiểm tra để biết rõ chất lượng của nước giếng sắp sử dụng. Tùy chất lượng nước sẽ có các giải pháp xử lý cụ thể thêm. Nếu nước đạt tiêu chuẩn sử dụng cho sinh hoạt cần được tiếp tục xử lý:
+ Cho qua bồn lọc cơ học (sỏi, cát hay vải lọc), hoá học (than hoạt tính)
+ Cho vào bồn chứa có san hô hoặc võ sò để cải thiện pH (khi pH < 5)
+ Sục khí tăng cường (nếu pH < 6 )
+ Kiểm tra độ pH trước khi sử dụng, pH đạt 6.5 – 6.8 là thích hợp nhất
 
Nước sông : cá Dĩa là loài cá có giá trị và rất nhạy cảm do đó sử dụng nước sông để nuôi cá cần có ao (bể) lắng và lọc kỹ để nước thật trong. Sau đó cần xử lý vi sinh vật gây bệnh (có rất nhiều trong nước sông) mới có thể sử dụng để nuôi cá.
 
3 - Thả giống:
A-Chọn giống :
+ Mua cá bố mẹ : màu sắc theo ý muốn, thân hình tròn, đầy đặn (không quá mập), khỏe mạnh, kỳ vây nguyên vẹn, phản xạ nhanh nhẹn, mua từ những nghệ nhân nuôi thành công.
 
+ Nếu mua cá con (chưa có màu) cần biết nguồn gốc (cá bố mẹ): đàn cá khỏe mạnh, đồng đều, phân tán đều trong hồ, không tụm lại gốc hồ, phản xạ nhanh nhẹn, thường tập trung lại máng ăn.
B-Thả giống:
+ Chuẩn bị nước thả có các yếu tố môi trường nước gần giống với nước nơi cá đang sống (pH, nhiệt độ, độ cứng…), lọc tuần hoàn, tăng nhiệt và sục khí.
+ Thả bao cá giống vào bể (20 – 30 phút) để cân bằng nhiệt độ
+ Thả cá từ từ vào hồ,
+ Cách ly cá mới mua về trong 2 tuần để theo dỏi.
4- Chăm sóc:
A- Cho ăn:
- Loại thức ăn:
+ Trùn chỉ, cá lóc nhuyễn: mua về để vài giờ để loại bỏ hết chất thải trong ruột của chúng, rửa qua nước sạch vài lần, vớt những con sống cho cá ăn, sau đó sục khí tiếp để lại cho lần ăn sau.
+ Trùng huyết, bo bo đông lạnh: mua tại những nơi uy tín, phải còn tươi thả trực tiếp vào bể lượng vừa đủ.
+ Thức ăn tự chế biến (tim bò): Tất cả được xay nhuyễn, bỏ vào túi nylon, cán dẹp, để trong ngăn đá tủ lạnh và cho ăn dần. Có thể bảo quản được 1 – 2 tháng. Có thể bổ sung tảo spirulina (10g –20g/kg thức ăn).
B- Cách cho ăn:
+ Cho ăn vừa đủ hoặc hơi thiếu, không cho ăn thừa
+ Lượng thức ăn: cá Dĩa ăn rất ít, cần theo dỏi sức ăn và tự điều chỉnh (cho ăn dần từ ít đến nhiều). Cá bị đói vài ngày không chết.
 
5 - Chăm sóc khác:
- Ánh sáng: cá thích ánh sáng vừa phải, nên bố trí đèn chuyên dùng cho cá. Ánh sáng nhiều, nước nuôi sẽ mau đục do tảo phát triển.
- Nhiệt độ: kiểm tra nhiệt kế và bộ tăng nhiệt, nên điều chỉnh nhiệt độ : 28 - 30 °C
- PH : kiểm tra 1 lần/ngày, pH thích hợp : 6.5 – 6.8. cần chú ý khi thay nước, pH không chênh lệch quá 1 độ /ngày đêm.
- Thay nước:
+ Cá trên 3 tháng tuổi: 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần : 30% – 50 % tùy vào nguồn nước, sức khỏe của cá và kinh nghiệm của người nuôi, nếu quản lý chất lượng nước và thức ăn tốt, nuôi với mật độ thấp có thể thay nước ít hơn (1-2 lần/tuần).
                                                                                                               Nguồn: Discushouse.com
Hồ Viết Phong

Mối nguy từ cá dọn bể

25.10.2019
by Cá cảnh Saigon

Loài cá ngoại lai được du nhập vào Việt Nam với mục đích phục vụ cho thú chơi cá cảnh (vệ sinh bể cá) nhưng không biết bằng cách nào cá dọn bể lại bị xổng ra môi trường tự nhiên rồi phát triển tràn lan, khó kiểm soát.

Chưa thể tính toán hết những hệ lụy mà loài cá ngoại lai này gây ra đối với môi trường song với những người vẫn ngày đêm gắn bó với nghề chài lưới, với khúc sông này, quãng kênh kia để mưu sinh thì chúng đã gây thiệt hại rất lớn.

Một người làm nghề chài lưới tên Yến (SN 1957) có hơn 30 năm gắn bó với sông Thương (Bắc Giang) chia sẻ với chúng tôi rằng, ông cảm thấy ngán ngẩm, thậm chí là căm ghét lũ cá dọn bể. Sự xuất hiện của chúng khiến cho những người làm nghề sông nước như ông có nguy cơ phải cất thuyền, treo lưới, gác cần câu và thậm chí là có thể treo... niêu.

Vợ chồng ông Yến nhiều năm làm nghề chài lưới trên sông Thương rất ngại khi đánh phải cá dọn bể

Theo ông Yến, trước đây quãng sông này nhiều tôm cá bản địa, còn hiện giờ cứ thưa vắng dần, oái oăm thay hễ cứ thả lưới xuống sông là bị vướng rất nhiều cá dọn bể. Có hôm thả lưới chưa đầy 20 phút đã có hàng chục con cá loại này bị mắc.

Lẽ thường gặp cá thì dân chài lưới sẽ vui nhưng với loài cá dọn bể, các ngư phủ chẳng hào hứng gì bởi chúng không những ít mang lại giá trị ngoài việc làm sạch bể cá cảnh, cá vướng vào khiến ngư dân mất nhiều thì giờ để gỡ, đã vậy lại còn phải xé lưới mới lôi cổ được chúng ra. “Loại này dính vài lần là rách tan tay lưới, thử hỏi có ai ưa loài cá ấy”, ông Yến nhăn nhó giãi bày.

Tôi có một buổi chiều cùng ông Yến đi đánh cá dọc sông Thương trên chiếc thuyền nan và trực tiếp thấy những con cá dọn bể to bằng bắp chân người, da dẻ thâm nâu, mình mẩy đầy gai góc và nom chúng thực sự ghê rợn và không mấy thiện cảm.

Mẻ lưới vừa vướt lên, cua cá bản địa chẳng thấy đâu mà cá dọn bể thì mắc lưới đến mấy chục con, người ta quẳng chúng lên bờ cả ngày mà chúng vẫn sống.

Ông Yến than thở: “Không biết giờ ở đâu ra lắm lũ cá này thế, dù thả lưới vương, lưới bát quái, quăng chài, thả rọ hay đi câu thì đều chạm mặt nó, nhiều hôm phải bắt cả chục kí cá dọn bể mà phát ngán. Khổ nỗi chỉ nhìn hình dạng chúng là đã ghê rợn, mình cá rất ít thịt, toàn xương, da dẻ xù xì, thô ráp, vây nhọn hoắt như đinh và đương nhiên con người chẳng thể dùng làm thực phẩm. Không may bắt được mớ cá loại này cũng đành gọi cho mấy gia đình trên bờ mang về nấu cho lợn ăn hoặc ủ làm phân để bón cây”.

Nếu trước đây, bình quân mỗi ngày ông Yến kiếm được từ 100 - 200 nghìn đồng từ việc đánh bắt cua, cá trên sông nhưng nay khó khăn hơn rất nhiều, có hôm giăng lưới cả tiếng không được gì ngoài cá dọn bể.

Một mẻ cá dọn bể được gỡ ra khỏi lưới.

Không chỉ trên sông, ngòi, tôi gặp một số dân chuyên đi câu giải trí và những người nuôi thả cá trong hồ, ao đều cho biết cá dọn bể đã xâm nhập vào đó và sinh sôi rất nhanh. Anh Vũ Minh Hồng cũng là dân chài lưới lâu năm trên sông Thương cũng bất ngờ khi thấy có quá nhiều cá dọn bể ở khắp hồ, ao, sông, ngòi.

"Bình thường khi được nuôi trong bể, giống cá ấy có kích thước và trọng lượng rất khiêm tốn nhưng khi xổng ra môi trường tự nhiên lại to lớn bất thường, có con nặng vài kí", anh Hồng kể.

Tương tự, anh Ngô Minh Khánh ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có mấy mẫu hồ thả cá, dù đã tuyển chọn giống rất kỹ, be bờ, đắp vùng cẩn thận nhưng không hiểu sao đợt thu hoạch cá cuối năm ngoái của gia đình anh lại xuất hiện tới vài chục kí cá dọn bể. Anh Khánh bảo: Nếu không có biện pháp kiểm soát đối với loài cá ngoại lai này thì lâu dài chúng sẽ trở thành thảm họa lớn và khó lường hết những tác hại đối với môi trường.

Cá dọn bể hay còn gọi cá lau kính có nguồn gốc từ Nam Mỹ, chúng là loài ăn tạp, thích nghi rộng, cơ thể nhiều xương, vây cực sắc nhọn và cứng như đinh. Ở môi trường tự nhiên, chúng không chỉ tranh cướp thức ăn mà còn có thể hút nhớt (chất nhầy) trên mình của các loài cá khác.

Cá dọn bể sinh sản nhanh, con người chả ai buồn bắt nên càng tạo cơ hội để chúng sinh trưởng, tồn tại và “tác oai tác quái” ở chốn "thủy cung". Cũng cần đặt ra giả thiết vì cá dọn bể lây lan đến chóng mặt nên thời gian gần đây các sông ngòi, ao hồ thưa vắng dần cá tự nhiên bản địa?

Báo Nông nghiệp Việt Nam
Trọng Toàn

Cả trăm loài cá cảnh đủ sắc màu "hút hồn" dân chơi thủy sinh ở TP HCM

16.09.2019
by Cá cảnh Saigon

Triển lãm Cá cảnh TP HCM lần IV năm 2019 đang diễn ra tại Trung tâm dịch vụ thể dục thể thao (215C Lý Thường Kiệt, quận 11) thu hút khá đông khách tham quan, chủ yếu là những người đam mê thủy sinh, cá cảnh.

Khu vực trưng bày cá cảnh thu hút rất đông người đam mê thủy sinh

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực triển lãm cá cảnh năm nay được thiết kế ấn tượng theo hình thức thủy cung, rộng 600m2 với 200 hồ giới thiệu các giống cá mới, đặc sắc của các trang trại ở TP HCM. Thu hút nhiều người xem nhất là các giống cá cảnh như: cá dĩa, cá La Hán, cá vàng, cá Koi,…

Nhiều phụ huynh còn dẫn các bé đến ngắm các loại cá đẹp, lạ.

Ngoài ra, 80 gian hàng của 60 đơn vị là các cơ sở nuôi, cung cấp cá cảnh; cây thủy sinh, hồ thủy sinh; thiết kế hồ nuôi cá; thiết bị, vật tư phục vụ nuôi cá cảnh... đến từ Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Dương, Tiền Giang và TP HCM.

Người xem đặc biệt thích thú với những hồ cá Koi đắt tiền, giá hàng triệu tới vài chục triệu đồng/con

Theo Ban tổ chức, điểm mới trong triển lãm năm nay là khu giới thiệu các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học liên quan đến nuôi, chăm sóc cá cảnh, như: thuốc vi sinh, vắc-xin,....; triển lãm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các dòng cá cảnh chất lượng tốt, giúp cho việc sản xuất các giống cá mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là những giống cá có thế mạnh xuất khẩu. Tại đây, các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ sinh học sẽ gặp gỡ, trao đổi, tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác.

Ngoài ra, còn một khu vực tư vấn về nuôi cá cảnh cho khách tham quan và tư vấn thị trường cá cảnh trong và ngoài nước cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh cá cảnh.

Triển lãm Cá cảnh TP HCM lần IV năm 2019 sẽ kéo dài đến hết ngày 16-9.

Cá vàng Yuanbao

Cá vàng Ruykin

Cá vàng pingpong có giá 200.000 đồng/con

Cá vàng Oranda calico

Cá La hán Thái đỏ châu

Cá La hán Kamalau

Cá hồng két xăm, in được chữ Phúc, Lộc, Thọ... trên thân.

Cá dĩa vàng AB

Cá dĩa Panda đỏ

Cá chép đuôi phụng

Những con cá xiêm với đủ kiểu dáng và màu sắc đẹp mắt có giá từ 50.000 - 500.000 đồng/con

Báo Người lao động online
Trọng Toàn

Nuôi cá cảnh làm giàu không cần nhiều diện tích

08.08.2019
by Cá cảnh Saigon

Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn, ngụ phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An đã bén duyên với nghề nuôi cá cảnh cách nay nhiều năm. Ngoài việc làm giàu cho gia đình, anh Sơn còn hỗ trợ, phối hợp nhiều hộ nuôi cá cảnh trên địa bàn tỉnh Long An và TP.HCM để tăng lượng hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

Anh Sơn giới thiệu khu nuôi, ương cá Dĩa

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM, anh Sơn bắt tay vào nuôi gà quy mô lớn. Tuy nhiên, cơ duyên không đến với người kỹ sư nông nghiệp nhiều hoài bão, cơn dịch bệnh cúm gia cầm đã làm sản nghiệp của anh gần như tiêu tan. Không nản chí, với nhãn quan về tiềm năng nuôi cá cảnh anh Sơn bắt tay vào đầu tư nuôi cá.

Anh kể: “Nuôi cá hay bất cứ nuôi con vật gì đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, say mê và tìm hiểu không ngừng về giống vật đó”. Qua sách báo, mạng internet và học hỏi từ những người đi trước, anh Sơn biết loài cá Dĩa Nam Mỹ, có nhiều chủng loại (xuất sứ vùng Amazon) là loài cá có tiềm năng cao, dễ nhân giống, lai tạo và được thị trường ưa chuộng, kể cả thị trường khó tính.

Ban đầu, anh Sơn chỉ mua cá con về nuôi, khi đủ lớn thì bán. Tuy nhiên, qua quá trình nuôi anh phát hiện và mày mò nghiên cứu, tự lai tạo giống và ương cá con cung cấp cho thị trường cá cảnh. Đặc biệt, anh chú trọng đến ương cá Dĩa con, coi đây là mặt hàng chủ lực.

Cá Dĩa Bồ Câu

Anh Sơn cho biết thêm: “Việc nuôi cá cảnh cao cấp không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ cần người nuôi sáng tạo sắp xếp các hồ nuôi hợp lý. Tuy nhiên, muốn thành công, người nuôi phải dành hết tâm sức cho việc nuôi cá. Ngoài ra, kỹ thuật chăm sóc cá cũng là yếu tố quan trọng để có những con cá đẹp, có giá trị cao trên thị trường.”

Cá Dĩa Red

Hiện nay, anh Sơn đã có một cơ ngơi nuôi, ương cá Dĩa rộng 250m2 ngay tại nhà và anh thuê thêm 1,5ha để ương nuôi các loại cá cảnh khác nhau. Doanh thu hàng năm của gia đình anh trên 3 tỉ đồng, riêng năm 2018 là 5 tỉ đồng. Ngoài ra, anh còn hợp tác với trên 10 hộ nuôi, ương cá ở trong tỉnh và trên 10 cơ sở ở các tỉnh bạn và TP.HCM để cung cấp cá cảnh ra thị trường.

Cá Dĩa Albino có giá trị xuất khẩu cao được thị trường nước ngoài ưa chuộng

Anh Sơn bật mí: “Hiện, tôi đang nghiên cứu tìm tòi loại thức ăn mới cho cá Dĩa, vừa giúp cá mau lớn, tiết kiệm so với thức ăn truyền thống, qua đó giảm giá thành, phòng, chống dịch bệnh và tăng lợi nhuận cho người nuôi cá cảnh.”

Cặp cá Dĩa bố mẹ được nuôi nhân giống

Với những thành tích đã đạt, liên tục 10 năm liền, anh Sơn được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 5 năm liền là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Anh Sơn có tổng cộng 20 bằng khen, 1 bằng vinh danh và 14 giấy khen, trong đó, anh vinh dự hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, một lần Trung ương Hội Nông dân tặng bằng khen và một lần Hội Sinh vật cảnh Việt Nam vinh danh. Ngoài ra, anh còn được UBND tỉnh Long An tặng bằng khen (15 lần). Mô hình nuôi cá cảnh của anh được nhiều người tham quan, học hỏi.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An - Trần Quốc Toản cho biết: “Anh Sơn là một trong những điển hình của nông dân sáng tạo, làm kinh tế có hiệu quả của tỉnh Long An. Hiện, Hội Nông dân tỉnh Long An đang đề nghị cấp Trung ương khen tặng danh hiệu vì những thành tích anh Sơn đã đạt.”./.

Báo Long An
Trọng Toàn

LẠ: Biến cá sông rẻ tiền thành cá kiểng xuất khẩu thu cả triệu đô la

29.07.2019
by Cá cảnh Saigon

Những loại cá sông đặc chủng, rẻ tiền như: lìm kìm, thòi lòi, sặc, lòng tong, nóc, lau kiếng bướm…, thậm chí ốc suối, sau khi được trại Saigon Auquarium thuần chủng sẽ trở thành cá kiểng xuất khẩu thu về cả triệu đô la Mỹ...Saigon Auquarium là trại nuôi cá kiểng, thuần cá sông thành cá kiểng xuất khẩu lớn nhất TP.HCM hiện nay.

Đó là cách làm độc đáo của trại nuôi cá kiểng quy mô lớn ở ngoại ô Sài Gòn do anh Trịnh Ngọc Hùng điều hành, quản lý. Đây là mô hình nông nghiệp đô thị độc đáo, lạ mà hay của nông dân TP. HCM.

Trong chuyến công tác khu vực phía Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đã đến thăm trang trại nuôi cá kiểng Saigon Aquarium (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP. HCM).

Ngoài trại cá kiểng rộng hơn 3ha tại xã Tân Thông Hội, Saigon Aquarium còn mở thêm một trang trại nuôi cá kiểng khác tại xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi) với diện tích lên tới 14ha. Ảnh: Trần Đáng-Báo điện tử DANVIET.VN.

Bên cạnh khu nuôi cá đắt tiền như neon, cá dĩa, cá bảy màu, cá ông tiên sọc, cá ông tiên đen, cá tàu, cá koi..., trại cá Saigon Aquarium còn có khu nuôi cá sông rẻ tiền đặc chủng như thòi lòi, lìm kìm, lau kiếng…Ảnh: Trần Đáng-Báo điện tử DANVIET.VN.

Theo anh Trịnh Ngọc Hùng-quản lý trại cá Saigon Aquarium, các loại cá sông này được thu mua lại của nông dân từ khu vực Tây Nguyên, miền Trung và Nam Bộ. Ảnh: Trần Đáng-Báo điện tử DANVIET.VN.

Anh Trịnh Ngọc Hùng cho biết, hiện, cá nóc đang được thị trường nước ngoài ưa thích. Mỗi con cá  nóc được mua vào 1.500 đồng/con, và xuất khẩu với giá hàng chục ngàn đồng/con. Vào mùa, người dân Cần Giờ (TP.HCM) vào rừng đước soi đèn bắt cá nóc. Mỗi  ngày, mỗi người bắt được hàng ngàn con cá nóc để bán. Sau khi mua cá nóc về về, trại sẽ pha nước muối khoảng 8-14 phần ngàn rồi thuần cá trước khi xuất khẩu ra nước ngoài...

Ốc sọc dưa - một loại ốc suối hoang dã cũng được trại cá kiểng Saigon Aquarium thuần dưỡng trước khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thu về ngoại tệ. Ảnh: Trần Đáng-Báo điện tử DANVIET.VN.

Trao đổi với Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định (phải), anh Trịnh Ngọc Hùng (trái) cho hay, trong suốt thời gian thuần dưỡng để xuất khẩu, thức ăn của cá kiểng chủ yếu là con Armenia. Ảnh Trần Đáng-Báo điện tử DANVIET.VN.

Theo anh Hùng, dòng cá đặc thù của Việt Nam đang được thị trường cá kiểng châu Âu rất ưa thích. Một tháng Saigon Aquarium xuất khẩu khoảng 4 triệu con cá kiểng các loại, trong đó 20.000 con cá sông rẻ tiền đặc chủng Việt Nam. Saigon Aquarium là trại thuần cá sông xuất khẩu ra nước ngoài lớn nhất ở TP.HCM hiện nay.

Báo Dân Việt
Trọng Toàn

Cá cảnh giá 40 triệu, dân chơi Việt mê mẩn vì đẹp "xiêu lòng"

29.07.2019
by Cá cảnh Saigon

Nhìn bé nhỏ nhưng màu sắc của chúng thật sự ấn tượng, làm cho dân chơi cá cảnh cũng phải mê mẩn không rời.

Cá betta (cá đá, cá xiêm, cá chọi) không quá lạ với những người nuôi cá cảnh. Dạo qua một vòng chợ online có thể thấy rất nhiều người rao bán loại cá này với giá dao động 20.000 đồng đến 70.000 đồng/con.

Tuy nhiên, năm 2016, từng có một con cá loại này được mua với giá 53.500 bath (~40,5 triệu đồng) tại một cuộc đấu giá.

Con cá có 3 màu xanh, đỏ và trắng như 3 màu sắc có trên quốc kỳ của Thái Lan.

Người bán là Kachen Worachai, 40 tuổi đăng lên một nhóm đấu giá trên Facebook.

Theo anh Kachen, ban đầu dự kiến con cá được bán với giá 10.000 bath (~7 triệu đồng) nhưng không ngờ giá gấp hơn 5 lần dự kiến.

Trước đây từng có con cá betta được bán với giá 23.500 bath (~17,8 triệu đồng).

Nhìn bên ngoài có thể thấy con cá betta tuy nhỏ nhưng có màu sắc rực rỡ vầ ấn tượng rất phù hợp để nuôi làm cảnh.

Hiện, có nhiều cá betta với màu xanh, đỏ, xanh dương, vàng, cam, hồng, kem và trắng.

Loại cá này từng được đặt biệt danh là "trang sức của Phương Đông" nhờ màu sắc tuyệt đẹp sau quá trình lai tạo.

Ở ngoài tự nhiên, chúng ăn muỗi, ấu trùng, côn trùng, sinh vật phù du... Nhưng khi nuôi trong bể chúng ăn bột cá, bột tôm, giun đỏ...

Cá đực có bộ vây rực rỡ vầ ấn tượng hơn cá cái.

Khi chúng muốn đe dọa loài khác sẽ bành 2 mang lên, căng bộ vây rực rỡ.

Một con cá betta trưởng thành dài khoảng hơn 5cm.

Chúng được đánh giá là loại cá cảnh dễ nuôi.

Báo Dân Việt

Trọng Toàn

Phát triển nghề nuôi cá cảnh, gắn với nền nông nghiệp đô thị

03.06.2019
by Cá cảnh Saigon

Hiện nay, nhân nuôi, kinh doanh và xuất khẩu (XK) cá cảnh tại TP.HCM được xem là nghề có tốc độ tăng trưởng mạnh, và đây cũng được TP chọn là lĩnh vực quan trọng để phát triển nền nông nghiệp đô thị.

TP HCM có điều kiện tự nhiên thuận lợi, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vay vốn, nên cá cảnh được xem là đối tượng giúp nông dân tạo ra giá trị, thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp truyền thống.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Mặc dù có nhiều tiến bộ vượt bậc, tuy nhiên qua khảo sát mức độ phát triển và tỷ trọng XK cá cảnh, vẫn còn khá thấp so với khả năng và tiềm lực của TP HCM. Trong khi đó, nhiều cơ sở, DN, các hộ nuôi cá cảnh vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng SX, kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Như ở huyện Củ Chi, các hộ nuôi cá cảnh chủ yếu tiêu thụ sản phẩm thông qua thương lái, trang mạng cá nhân (zalo, facebook), chỉ một số ít tiêu thụ qua hợp đồng với Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức, Công ty CP Sài Gòn cá kiểng và HTX sinh vật cảnh Sài Gòn,…

Để góp phần giải quyết khó khăn trên, Trung tâm Khuyến nông TP HCM đã tổ chức Hội thảo “Triển khai Chương trình phát triển cá cảnh, chuỗi liên kết giá trị ngành cá cảnh” tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, nhằm tìm ra giải pháp xây dựng chuỗi liên kết, phát triển ngành cá cảnh theo đúng khả năng và tiềm lực của TP.

Hội thảo còn giới thiệu chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện Chương trình Khuyến nông theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/4/2018 (với mức hỗ trợ 50% giống và 50% thức ăn). Từ đó, khuyến nông sẽ tập trung đầu tư những giống cá cảnh có nhu cầu cao trên thị trường như cá đĩa, cá koi và nhập từ nước ngoài, giúp nông dân tăng gia SX, cải thiện thu nhập, phát triển ngành nghề, tạo thương hiệu cá cảnh cho TP HCM.

Hội thảo đã lắng nghe ý kiến của nông dân, các đơn vị, DN kinh doanh XK cá cảnh và các lãnh đạo ban ngành liên quan. Theo đó, các hộ còn e ngại với chính sách đầu tư theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP và hỗ trợ cá giống nhập từ nước ngoài. Vì mức hỗ trợ theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP, người dân sẽ bỏ vốn đối ứng nhiều, trong khi đó giống cá nhập từ nước ngoài về sợ chưa thích nghi với môi trường nước, điều kiện tự nhiên ở địa phương, nên quá trình nuôi không đảm bảo hiệu quả,...

Nhưng theo ông Tân Xuyên, chủ cửa hàng cá cảnh Tân Xuyên, thì ngành cá cảnh Việt Nam có từ những năm 1980, nhưng đến nay vẫn chưa có thương hiệu riêng trên thế giới. Nguyên nhân là do ngành còn yếu về con giống, khả năng ứng dụng KHKT vào nhân giống, lai tạo giống. Thực tế, khâu giống chưa đạt được chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường, trong khi nhu cầu NK luôn đòi hỏi cái mới, lạ.

Một gian hàng cá cảnh ở TP.HCM.

Các trang trại nuôi cá cảnh còn manh mún, nhỏ lẻ và quá ít sản phẩm. Công nghệ nuôi theo phương thức truyền thống, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Do đó, nông dân nên mạnh dạn thay đổi giống, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Còn khi khuyến nông hỗ trợ giống nhập từ nước ngoài, sẽ chọn những giống cá dễ sinh sản, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở địa phương và nên thuần dưỡng cá giống ổn định (thời gian nửa tháng) mới chuyển giao cho nông dân thực hiện mô hình.

Các ông Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi và ông Nguyễn Văn Phơn, Phòng Kinh tế huyện cũng nhất trí, vấn đề đầu ra là quan trọng. Nên đề nghị các hộ, đơn vị SX cần liên kết tạo thành các CLB cá cảnh, các tổ hợp tác, HTX, để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường, cùng nhau làm tiền đề phát triển ngành cá cảnh.

Kết luận hội thảo, ông Phạm Lâm Chính Văn đã giải đáp thắc mắc của các hộ nuôi cá cảnh. Về mặt chính sách, khuyến nông TP HCM thực hiện Nghị định 83/2018/NĐ-CP là quy định chung của cả nước, nên mong nông dân cùng đồng hành với cơ quan khuyến nông, cùng nâng cao chất lượng nông nghiệp nói chung và ngành cá cảnh nói riêng.

Về thực trạng của ngành, như chủ cửa hàng cá cảnh Tân Xuyên cho biết, ngành nuôi các cảnh TP HCM vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát triển đúng tiềm năng sẵn có, nguyên nhân do chất lượng giống chưa đạt giá trị cao. Vì vậy, năm 2019 khuyến nông sẽ hỗ trợ đúng đối tượng tham gia mô hình trình diễn, việc NK con giống theo nhu cầu thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu cá cảnh của TP HCM, cũng như cá cảnh Việt Nam.

Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi, phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Kinh tế huyện bám sát chính sách, chọn đúng đối tượng tham gia mô hình sẽ đạt hiệu quả cao. Hộ tham gia mô hình phải là người có tay nghề cao, thực sự tâm huyết với nghề mới thực hiện được. Sau khi hộ tham gia mô hình, SX được những con giống có chất lượng, sẽ cung cấp lại cho những hộ có khả năng ít hơn về vốn, kỹ thuật,… tiếp tục tạo ra cho thị trường nhiều chủng loại cá cảnh, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu XK.

TP HCM phải thành lập chuỗi liên kết giá trị trong nghề SX cá cảnh, thành lập những Tổ hợp tác, HTX có kế hoạch SX ổn định, đảm bảo hiệu quả mô hình.

Đặc biệt, trong quá trình SX nếu có vướng mắc, các hộ mạnh dạn liên hệ với cơ quan khuyến nông, cùng nhau giải quyết, nhằm tạo ra những dòng sản phẩm cá cảnh cao cấp, cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị.

Báo Nông nghiệp Việt Nam
Trọng Toàn

TP.HCM có nhiều tiềm năng xuất khẩu cá cảnh

14.05.2019
by Cá cảnh Saigon

Nghề nuôi cá cảnh thương mại của TP.HCM có thế mạnh và giá trị rất lớn khi đã xuất bán ra hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm ngoái, khoảng 180 triệu con cá cảnh đã được xuất khẩu qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, trị giá trên 22 triệu USD. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, trên địa bàn hiện có 89 ha sản xuất cá cảnh, với hơn 290 cơ sở, hộ nuôi, tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Chánh và Củ Chi.

TP.HCM hiện có 89 ha sản xuất cá cảnh

TP.HCM đã xuất khẩu cá cảnh tới 43 quốc gia, vùng lãnh thổ

Tuy nhiên, ngành hàng cá cảnh còn chưa có sự liên kết theo chuỗi mà chỉ có sự liên kết tự nhiên giữa người nuôi và doanh nghiệp có nhu cầu thu mua xuất khẩu. Ngoài ra, vẫn chưa có thương hiệu cá cảnh riêng biệt của Việt Nam mà còn hiện tượng gia công cho một số quốc gia nhập khẩu cá cảnh.

Việt Nam đứng thứ 17/125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia xuất khẩu cá cảnh

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 17/125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia xuất khẩu cá cảnh, chiếm tỷ trọng 1,2%. Các chuyên gia dự báo, thị trường cá cảnh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.

Trung tâm Tin tức VTV24
Trọng Toàn

Xem sinh vật cảnh là ngành hàng đặc hữu quan trọng

10.05.2019
by Cá cảnh Saigon

Hôm nay 9/5, Bộ NN-PTNT đã tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Bộ NN-PTNT và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, hiện nay, diện tích sản xuất (SX) sinh vật cảnh tập trung và phân tán trên cả nước ước đạt trên 50.000 ha, trong đó diện tích tập trung khoảng 34.400 ha, với các mặt hàng chuyên canh như hoa, cây cảnh...

Ngoài ra, ngành nghề SX sinh vật cảnh đang ngày càng bứt phá mạnh mẽ với hàng trăm làng nghề truyền thống đã được khôi phục và thành lập, phát triển đa dạng nhiều mặt hàng sinh vật cảnh như hoa, cây cảnh, chim cảnh, cá cảnh.... cho giá trị rất cao và đang ngày càng tăng mạnh về số lượng.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng sinh vật cảnh đã được xuất khẩu và tăng mạnh về số lượng. Cụ thể theo Bộ Công thương, đến nay, chỉ tính riêng hoa tươi cắt cành, hàng năm cả nước có khoảng 11.000 ha, với khoảng 4,5 tỉ cành/năm, trong đó khoảng 1 tỉ cành đã được XK sang nhiều thị trường. Hà Nội, TP HCM và Lâm Đồng cùng các vùng phụ cận đã hình thành nên các trung tâm SX sinh vật cảnh lớn, đem lại nguồn thu ngoại tệ rất lớn từ XK và làm giàu cho người SX.

Qua tròn 30 năm thành lập, hiện Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có 54 tổ chức hội cấp tỉnh, gồm 6.000 chi hội với trên 350 nghìn hội viên khắp cả nước. Trong đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp lớn trong ngành nghề SX kinh doanh các mặt hàng sinh vật cảnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Với sự đa dạng, phong phú về điều kiện tự nhiên, Việt Nam là quốc gia đang có rất nhiều dư địa và cơ hội để phát triển các mặt hàng sinh vật cảnh. Mặc dù số lượng, sản lượng, diện tích không lớn, tuy nhiên đây lại là nhóm mặt hàng đem lại giá trị rất lớn.

Hiện cả nước đã hình thành nhiều làng nghề SX mặt hàng sinh vật cảnh chuyên nghiệp, đem lại thu nhập rất cao như Văn Giang (Hưng Yên), Sa Đéc (Đồng Tháp)... cùng rất nhiều vùng chuyên canh ven đô thị lớn của cả nước.

Từ chỗ được xem là thứ xa xỉ của số ít người, ngày nay, sinh vật cảnh đang trở thành một mặt hàng có nhu cầu tất yếu của xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị hóa và đời sống ngày càng tăng cao.

"Bộ NN-PTNT xem sinh vật cảnh là một ngành hàng đặc hữu quan trọng trong hệ thống các ngành hàng của nền nông nghiệp, và sẽ có các đề án, chương trình hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện thúc đẩy, khai thác dư địa và lợi thế của ngành hàng này trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Báo Nông nghiệp
Trọng Toàn

Công viên cá koi triệu đô nhộn nhịp dịp lễ 30/4 và 1/5

06.05.2019
by Cá cảnh Saigon

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, trung bình mỗi ngày có khoảng 5000 người tới tham quan Công viên cá koi tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Những con cá ở đây có giá trị từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng khiến du khách trầm trồ thán phục.

Các nhân viên hướng dẫn và trông coi Công viên cá Koi Nhật Bản tại huyện Hóc Môn TPHCM cho biết trung bình mỗi ngày cuối tuần nơi đây đón khoảng 1.000 khách tham quan, nhưng vào dịp lễ 30/4 năm nay mỗi ngày có từ 5.000 -6.000 khách tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con cá Koi tiền tỷ. Khách đến từ mọi miền đất nước và khá nhiều du khách nước ngoài. 

TPHCM là trung tâm nuôi và xuất khẩu cá cảnh lớn nhất Việt Nam, song Công viên cá koi tại huyện Hóc Môn là một mô hình kết hợp giữa nuôi cá và du lịch, giải trí có bán vé vào cổng, phục vụ ẩm thực.

Chủ công viên này là một người Việt Nam đã từng sống tại Nhật 15 năm, rất mê văn hóa Nhật Bản nên đã xây dựng công viên theo những phong cách của xứ sở Phù Tang. 300 con cá Koi tại đây được đưa về từ Nhật Bản, con ít tiền nhất cũng khoảng 30 triệu đồng và những con đắt tiền có giá khoảng 800 triệu đồng tới 1,7 tỷ đồng. 

Cá nuôi trong hồ tự nhiên bằng nước giếng khoan lọc sạch và thay thế thường xuyên. Đàn cá lớn rất tốt và rất thân thiện với người tới tham quan. Việc giữ gìn vệ sinh và môi trường cho đàn cá được nhân viên chăm chuốt suốt ngày đêm. Các nhân viên bảo vệ cũng túc trực 24/24 giờ để bảo vệ đàn cá có giá trị khoảng 23 tỷ đồng này. 

Du khách, nhất là trẻ em vô cùng thích thú khi được sống trong khung cảnh thiên nhiên với đàn cá nhiều màu sắc, gần gũi con người.

Du khách đội cơn mưa đầu mùa trong dịp nghỉ lễ 30/4 để đi xem đàn cá Koi khổng lồ

Mỗi con cá có giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng nhưng rất thân thiện với du khách

Cá Koi là giống cá quý ngay cả với người Nhật, việc nuôi chúng cũng rất khắt khe.

Các em bé thích thú với màu sắc rực rỡ của đàn cá cảnh

Khoảng 5.000 khách trong nước và nước ngoài tới ngắm đàn cá mỗi ngày trong dịp lễ

Bác Lành đến từ Huế cho biết rất ấn tượng với những chú cá bạc tỷ

Càng ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến với vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã và trong lành

Báo Tiền Phong online
Trọng Toàn